Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định vị thế, vai trò của nữ giới. Người luôn quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giải phóng phụ nữ không chỉ thể hiện rõ tinh thần nhân văn cao cả của Bác mà còn chứa đựng những chỉ dẫn quan trọng đối với công tác bình đẳng giới ở nước ta hiện nay.
Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng và tầm nhìn của một nhà lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: phụ nữ là một lực lượng cách mạng quan trọng. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đã nhấn mạnh, phụ nữ chiếm số đông trong lực lượng nhân dân, lại bị kìm hãm và chịu nhiều đau khổ nên luôn có tinh thần đấu tranh cách mạng. Sự nghiệp cách mạng không thể thành công nếu không có phụ nữ tham gia. Vì “nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa” (1). Do vậy, giải phóng phụ nữ là một nhiệm vụ tất yếu của cách mạng Việt Nam, là nhu cầu khách quan của xã hội, của yêu cầu phát triển đất nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất phát từ tâm lý truyền thống của người Á Đông, thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam trước hết là nhằm xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, xóa bỏ bất bình đẳng nam nữ, tạo điều kiện giúp phụ nữ phát huy hết khả năng, năng lực để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bác khẳng định: “không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi công cuộc cách mạng” (2). Từ đó, Người luôn coi giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, là cơ sở quan trọng bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ được thực hiện trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Không chỉ đưa ra tư tưởng về vấn đề giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người tiên phong thực hiện tư tưởng đó gắn với những việc làm cụ thể. Bác cho rằng, phụ nữ có quyền tham gia mọi hoạt động chính trị một cách bình đẳng như nam giới, có quyền bầu cử, ứng cử, có quyền tự do ngôn luận, đi lại, cư trú và nhất là quyền bình đẳng trước pháp luật. Với vai trò là Trưởng Ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 (Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), Người đã sớm quan tâm đến việc giải phóng phụ nữ. Điều 6, Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”. Điều 9, Hiến pháp năm 1946 cũng nêu: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.
Đặc biệt, khi phát biểu tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập… phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân” (3). Những quy định về quyền bình đẳng nam nữ được ghi trong Hiến pháp năm 1946 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị pháp lý của phụ nữ Việt Nam và thể hiện tính nhân văn, tầm nhìn vượt thời đại, tư duy chính trị sắc sảo của Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam được pháp luật thừa nhận và bảo đảm có những quyền bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực. Với những đóng góp quan trọng của Bác, Hiến pháp năm 1946 mở ra cho phụ nữ Việt Nam một thời đại mới - thời đại người phụ nữ được thực sự làm chủ cuộc sống của mình, được tham gia các hoạt động xây dựng và kiến thiết đất nước - những quyền và nghĩa vụ mà người phụ nữ chưa từng có trong các chế độ xã hội trước.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo” (6), tỷ lệ phụ nữ tham gia trong các cơ quan lãnh đạo các cấp đã ngày càng tăng lên. Cụ thể, “trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 đồng chí nữ (9,5%), Quốc hội khóa XV đạt tỉ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% đồng chí nữ, HĐND cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ… Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50% (7).
Theo thống kê, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp tỉnh, huyện, xã lần lượt là 26,54%, 27,85% và 26,59%. Đây là minh chứng rõ nét cho thành tựu của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Trong giai đoạn hiện nay, vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta tiếp tục coi trọng khơi dậy, phát huy khả năng, năng lực của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Khẳng định vị thế của phụ nữ, thừa nhận quyền bình đẳng của phụ nữ, đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng chính minh. Người động viên, khích lệ phụ nữ vươn lên, vượt qua tâm lý tự ti, vượt khỏi tư tưởng an phận; động viên họ mang những khả năng của mình tham gia và đóng góp cho xã hội. Theo Người, “phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật” (4). Phụ nữ phải phấn đấu, học tập, tự tin, tự giải phóng mình về tình cảm, tâm lý, trí tuệ và hành động. Bác thường xuyên khơi dậy tính tự trọng, khả năng nỗ lực tự vươn lên của phụ nữ; khích lệ, động viên phụ nữ phải làm sao cho mọi người đều thấy được khả năng và đóng góp của phụ nữ, lúc đó sẽ cất nhắc, đề cử vào những vị trí xứng đáng. “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh” (5).
Bác Hồ với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Tư liệu).
Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào mọi mặt của đời sống xã hội. Điều này thể hiện rõ nét ở các chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm quyền của phụ nữ, như: Luật Bình đẳng giới (2006); Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư, Khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030;… Đây là cơ sở giúp phát huy vài trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.